Thêm xe điện Trung Quốc vào Việt Nam với ‘công thức cũ’, chuyên gia nói luôn lý do VinFast vẫn sẽ thống trị thị trường Việt trong tương lai gần

Giá cao, không có hạ tầng sạc – xe điện Trung Quốc sẽ phải giải quyết 2 bài toán này trước khi nghĩ đến chuyện gia tăng thị phần tại Việt Nam.

Thêm xe điện Trung Quốc vào Việt Nam với 'công thức cũ', chuyên gia nói luôn lý do VinFast vẫn sẽ thống trị thị trường Việt trong tương lai gần- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xe mới, công thức cũ

Thị trường ô tô Việt Nam vừa chính thức đón thêm 1 người chơi mới là thương hiệu AION từ Trung Quốc với 2 mẫu EV AION ES và AION Y Plus.

Ngay sau màn ra mắt sản phẩm, nhiều chuyên gia đã đặt câu hỏi cho màn ra mắt “xe mới, công thức cũ” này.

Mẫu sedan AION ES có giá là 788 triệu đồng. Mẫu xe này được xem là đối thủ với BYD Seal (1,119 – 1,359 tỷ đồng) ở mảng xe điện và có thể cạnh tranh với những cái tên cứng cựa nhóm xe xăng như Toyota Camry (1,105 – 1,495 tỷ đồng), Mazda6 (769 – 899 triệu đồng) hay Kia K5 (859 – 999 triệu đồng).

Dù giá bán của AION ES thấp hơn đáng kể so với hầu hết đối thủ, ngoại trừ Mazda6. Tuy nhiên, so về trang bị, phiên bản AION ES bán tại Việt Nam lại có phần lép vế hơn.

Thêm một điều nữa là người dùng đang ngày càng ưa chuộng các mẫu xe gầm cao thay vì sedan, điều này làm AION ES khó có thể bứt phá.

Thêm xe điện Trung Quốc vào Việt Nam với 'công thức cũ', chuyên gia nói luôn lý do VinFast vẫn sẽ thống trị thị trường Việt trong tương lai gần- Ảnh 2.

Trong khi đó, mẫu crossover cỡ C Y Plus sẽ phải đối đầu với các đối thủ thuần xăng cực đông đảo đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mỹ, như Mazda CX-5 (749-979 triệu đồng), Hyundai Tucson (769-989 triệu đồng), Kia Sportage (779-999 triệu đồng), Ford Territory (799-929 triệu đồng).

Những đối thủ thuần điện của Y Plus là BYD Atto 3, có giá 766-886 triệu đồng và VinFast VF 7 (từ 850 triệu đồng chưa bao gồm pin). Có thể thấy, với mức giá 888 triệu đồng, không dễ để Y Plus cạnh tranh với các tên tuổi kể trên.

Một vấn đề lớn khác là hạ tầng trạm sạc. Thương hiệu này cho biết sẽ không phát triển trạm sạc mà có 3 giải pháp đó là phương án cung cấp sạc tại nhà; sạc tại showroom và liên kết với các bên thứ ba, hoặc hợp tác cùng các hãng xe khác để chia sẻ hạ tầng.

Hiện nay ngoài VinFast, các thương hiệu khác vẫn chưa xây dựng đồng bộ và rộng rãi một hệ thống trạm sạc riêng. Việc thiếu hạ tầng sạc không chỉ gây phiền phức mà còn làm giảm khả năng sử dụng xe điện cho những chuyến đi dài.

Thực tế, AION cũng hiểu những rào cản này. Ông Lê Minh Tiến – Giám đốc AION Việt Nam từng cho biết, chiến lược đầu tư của thương hiệu sẽ là step by step, chuẩn bị một cách kỹ càng và không đặt nặng doanh số.

Xe điện vẫn là sân chơi riêng của VinFast?

Giá cao, hạ tầng sạc là dấu hỏi, việc các mẫu xe điện Trung Quốc ồ ạt gia nhập thị trường xem ra vẫn mang nhiều tính “thăm dò” hơn là một cuộc chơi lớn thực sự.

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, VinFast hiện vẫn là thương hiệu sẽ thống trị xe điện ở Việt Nam ít nhất vài năm tới.

Về doanh số, trong tháng 9, VinFast đã công bố bàn giao hơn 9.300 xe cho khách hàng. Con số này cao gần gấp rưỡi so với hãng xe xếp thứ hai và vươn lên thành vị trí số 1 Việt Nam trong tháng 9. Đồng thời, đây là lần đầu tiên một thương hiệu ô tô điện nội địa vượt qua tất cả các thương hiệu xe xăng và điện quốc tế, trở thành hãng xe bán chạy nhất thị trường, đặc biệt chỉ sau hơn 2 năm chính thức chuyển đổi thành hãng xe hoàn toàn thuần điện.

Tại lễ trao giải Better Choice Awards vừa qua, PGS. TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định có 2 điểm mạnh sẽ giúp VinFast thống trị thị trường ô tô điện tại Việt Nam trong tương lai gần.

Thêm xe điện Trung Quốc vào Việt Nam với 'công thức cũ', chuyên gia nói luôn lý do VinFast vẫn sẽ thống trị thị trường Việt trong tương lai gần- Ảnh 3.

Dải sản phẩm phong phú là một trong những ưu thế cạnh tranh lớn của VinFast.

Thứ nhất là xe VinFast được sản xuất tại Việt Nam nên chuỗi cung ứng sản phẩm rất nhanh và tiện lợi cho người tiêu dùng. Thứ hai là cơ sở hạ tầng trạm sạc đi kèm phủ khắp cả nước.

Thạc sĩ, Nhà báo Nguyễn Thúc Hoàng Linh thì chỉ ra điểm mạnh thứ ba của VinFast là dải sản phẩm. Ông cho biết rằng việc VinFast mở rộng dải sản phẩm của mình, phủ gần như mọi phân khúc, giúp đảm bảo cho VinFast về vị thế của các sản phẩm trong thời gian tới. Ông Linh tin rằng đây là bệ đỡ rất vững chắc để VinFast tiếp tục có những bước đi vững vàng hơn trong hành trình chinh phục người Việt.

Ông Linh không phủ nhận việc ngày càng có nhiều mẫu xe điện mới vào Việt Nam, đặc biệt là sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ xe điện Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Linh, các hãng xe mới sẽ gặp khó khăn hơn trong việc nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam, từ đó khó đáp ứng đúng được nhu cầu sử dụng hàng ngày của người Việt như VinFast đang làm.