CEO Tesla Elon Musk giới thiệu một chiếc robotaxi hai cửa với thiết kế cửa cánh chim, không có vô lăng hay bàn đạp, thực hiện lời hứa từ lâu về những chiếc xe tự lái sẽ tạo nên bước ngoặt cho nhà sản xuất xe điện này.
Sự kiện diễn ra hôm 10-10 (giờ Mỹ) tại xưởng phim Warner Bros gần Los Angeles, California (Mỹ) có tựa đề “We, Robot” (Chúng ta, Robot) – một sự ám chỉ rõ ràng đến truyện ngắn khoa học viễn tưởng “I, Robot” của nhà văn người Mỹ Isaac Asimov, nhưng cũng nhắc lại sự khẳng định của Elon Musk rằng Tesla “nên được coi là một công ty robot AI”, chứ không phải là một nhà sản xuất ô tô.
Robotaxi không vô lăng, không người lái
CEO Tesla Elon Musk lên sân khấu bằng chiếc xe “Cybercab”. Ông cho biết quá trình sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2026 và xe có thể được bán với giá dưới 30.000 USD (744,6 triệu đồng). Giá này ở Mỹ tương đương khởi điểm của một số mẫu SUV cỡ B/C thuộc nhóm dưới 30.000 USD như Kia Sportage, Subaru Crosstrek.
“Tương lai dịch chuyển ở đây. Chúng tôi có 50 chiếc hoàn toàn tự động ở đây tối nay. Bạn sẽ được chứng kiến những chiếc Y và Cybercab không hề có người lái”, ông Elon Musk phát biểu.
Cybercab sẽ tốn khoảng 20 xu (khoảng 5.000 đồng) để vận hành 1 dặm (1,6km), sử dụng sạc cảm ứng nên không cần bất kỳ phích cắm nào. Đồng thời, toàn bộ hoạt động sẽ dựa vào camera và AI, mà không cần bất cứ tác động nào khác.
Về thiết kế, Cybercab lấy cảm hứng rõ ràng từ mẫu bán tải Cybertruck, dải đèn phía trước mảnh và ôm gọn đầu xe, cửa mở kiểu cánh chim. Trong cabin chỉ có 2 chỗ, không bàn đạp, không vô lăng, một màn hình lớn ở giữa táp lô.
Elon Musk cũng giới thiệu mẫu xe tự lái lớn hơn có tên là Robovan. Mẫu xe này có khả năng chở tới 20 người.
Bên cạnh đó, không thể thiếu Optimus, mẫu robot có vóc dáng như con người của Tesla.
Phiên bản van và robot như người cũng xuất hiện – Ảnh: Tesla/Reuters
Robotaxi chỉ là chiếc xe để “tạo sóng”?
Màn ra mắt robotaxi là sự kiện trọng đại của Tesla, thu hút sự quan tâm của truyền thông và dư luận từ nhiều tháng qua. Hàng loạt bình luận, dự đoán cũng như hoài nghi và kỳ vọng liên tục được đưa ra.
Trái với hoài nghi, sự kiện đã thực sự diễn ra, thay vì tiếp tục trễ hẹn như mọi khi. Nhưng nhiều nhà đầu tư và nhà phân tích cũng kiềm chế sự hưng phấn khi cảnh báo rằng màn ra mắt mới chỉ là bước khởi đầu, những gì sau đó mới thực sự là thách thức.
Kế hoạch của Elon Musk là vận hành một đội xe taxi Tesla tự lái mà hành khách có thể gọi thông qua ứng dụng. Các chủ sở hữu Tesla cá nhân cũng có thể kiếm tiền trên ứng dụng bằng cách đăng ký chạy dịch vụ.
“Mọi thứ có vẻ ổn, nhưng không có nhiều mốc thời gian. Tôi là một cổ đông và khá thất vọng. Tôi nghĩ thị trường muốn có mốc thời gian rõ ràng hơn. Ông ấy nói nhiều, nhưng dường như chẳng nói gì cả. Ông ấy không cung cấp nhiều thông tin”, Dennis Dick, nhà giao dịch cổ phiếu tại Triple D Trading, nhận xét về bài phát biển của Elon Musk.
Từ năm 2019, Elon Musk đã tự tin tuyên bố Tesla sẽ có robotaxi hoạt động vào năm 2020. Nhưng sau nhiều lần thất hứa, đến nay chiếc taxi tự lái mới được giới thiệu, sau khi hủy bỏ kế hoạch chế tạo xe điện giá rẻ nằm bên dưới Model 3.
Xe điện giá rẻ được kỳ vọng sẽ giúp vực lại doanh số Tesla đang có chiều hướng đi xuống và bị nhiều hãng khác đe dọa.
Theo Reuters, công ty này đang đứng trước nguy cơ có năm đầu tiên báo cáo doanh số giảm. Lý do là các ưu đãi mua hàng không thu hút đủ khách hàng đến với những mẫu đã có.
Không chỉ vậy, việc giảm giá mạnh còn làm ảnh hưởng lợi nhuận. Do đó, việc Tesla từ bỏ xe giá rẻ khiến nhiều người thất vọng và hoài nghi.
Một điều khác khiến người ta quan ngại là robotaxi ra đời dường như để vực dậy niềm đam mê Tesla trước sự tụt giảm về doanh số. Công nghệ phức tạp và quy định chặt chẽ khiến các công ty thua lỗ trầm trọng khi đầu tư vào thị trường robotaxi. Thậm chí một số công ty đã phải đóng cửa. Chỉ còn số ít bên theo đuổi như Cruise của General Motors, Zoox của Amazon hay WeRide của Trung Quốc ngoài Tesla.
Không giống phần cứng đắt tiền như lidar mà những công ty khác sử dụng, xe của Elon Musk chỉ dựa vào camera và AI để chạy hệ thống tự lái (FSD) nhằm giảm chi phí.
Nhưng trái với tên gọi Full-Self Driving, hệ thống này được kích hoạt vẫn đòi hỏi sự chú ý liên tục của người lái. Ngay cả như vậy, FSD đã có liên quan tới ít nhất 2 vụ tai nạn chết người, buộc các nhà quản lý phải để mắt đến và điều tra.