Sống “chui” trong chính nhà mình

Chưa đủ điều kiện đưa người dân vào ở, nhưng chủ đầu tư chung cư Eco Green Tower (số 1 Giáp Nhị, Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã để hàng trăm hộ dân vào sinh sống trong điều kiện sinh hoạt không bảo đảm.

Dự án Eco Green Tower số 1 Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội.
Dự án Eco Green Tower số 1 Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội.

Khổ vì chủ đầu tư

Dự án Eco Green Tower do liên danh Công ty cổ phần Sông Đà 1.01 và Công ty cổ phần Hóa chất (Chemco) làm chủ đầu tư, triển khai từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2018 trên nguyên tắc Chemco góp đất, Công ty Sông Đà 1.01 xây nhà.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Công ty Sông Đà 1.01 không bảo đảm nguồn lực tài chính để hoàn thành dự án nên năm 2019, Sông Đà 1.01 đã chuyển giao một phần dự án cho Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Bất động sản Bình Minh (Công ty Bình Minh) và giao cho ông Nguyễn Bình Đông, khi đó là Phó Giám đốc Công ty Sông Đà 1.01, đồng thời cũng là cổ đông lớn của Công ty Bình Minh phụ trách triển khai dự án. Khoảng giữa năm 2019, Công ty Bình Minh đổi tên gọi thành Dự án Tòa nhà Viễn Đông Star và tiếp tục triển khai. Hiện nay, dự án gần như đã hoàn thiện thi công, song chưa hoàn thành các bước nghiệm thu công trình để đủ điều kiện cho người dân vào ở.

Vậy nhưng chủ đầu tư đã để hàng trăm hộ dân chuyển vào từ… cuối năm 2020. Hiện, gần như các căn hộ của dự án đều có người dân vào sinh sống, chỉ còn một vài sàn chưa bán hết.

Theo quy định Nhà nước, khi dự án chưa được nghiệm thu, thì công trình chưa được phép để người dân vào sinh sống. Các cơ quan nhà nước cũng sẽ không cung cấp điện, nước sinh hoạt cho các hộ dân theo quy định, kể cả khai báo tạm trú, hộ khẩu… cũng sẽ không thực hiện được.

Vì vậy, cư dân Eco Green Tower Giáp Nhị hiện vẫn đang sống “chui” trong chính ngôi nhà của mình. Từng phải chờ đợi thời gian dài do chủ đầu tư chậm tiến độ bàn giao nên khi được thông báo, tất cả đều nhanh chóng chuyển vào ở mà không biết sẽ phải mua lại điện, nước được cấp cho chủ đầu tư để xây dựng dự án (không phải điện, nước sinh hoạt). Vậy nên tình trạng điện, nước cho người dân thường xuyên không được bảo đảm.

Chị T. Phương cho biết, gia đình chuyển về từ cuối năm 2020 khi nhận được thông tin Công ty Bình Minh đã cho dân vào ở. Chị cho biết, điện, nước ở đây cứ đến giờ cao điểm là bị cắt, không nấu được cơm, đi làm về cũng không có nước để sinh hoạt. Điện, nước vẫn tính theo số công-tơ-mét do Ban quản lý dự án lắp nhưng tiền này lại được yêu cầu trả cho công ty Bình Minh thay vì cơ quan điện lực hay nước sạch. Điều này có thể hiểu là do đây là điện, nước công trình nên Công ty Bình Minh đứng ra thu hộ. “Tuy nhiên, tiền thanh toán được yêu cầu chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của kế toán trưởng Công ty Bình Minh. Chúng tôi có thắc mắc nhưng phía công ty chỉ cho hai lựa chọn: một là chuyển tiền, hai là bị… cắt điện, cắt nước”, chị Phương nói.

Còn chị D. Nhung thì dù đã mua căn hộ nhưng vẫn chưa có Giấy chứng nhận quyền sở hữu. “Tôi đã đóng tiền 95% giá trị căn hộ, đúng tiến độ, có xác nhận ba bên giữa người mua, chủ đầu tư và ngân hàng TP Bank từ nhiều năm nay nhưng không biết bao giờ mới có sổ”, chị Nhung hoang mang.

Khổ đến bao giờ?

Trước điều kiện an sinh không bảo đảm trên, UBND phường Thịnh Liệt đã xử phạt chủ đầu tư. Tuy nhiên, quy định hiện nay với các sai phạm kiểu này thì chỉ yêu cầu chủ đầu tư phối hợp cơ quan chức năng khắc phục hậu quả. “Phường cũng rất lúng túng. Người dân đã vào ở, nhưng không thể đăng ký hộ khẩu, hộ tịch ở phường do chưa được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Giờ làm căn cước công dân cho người dân ở đây cũng khó! Sắp tới khai giảng, làm thế nào để các cháu đến trường đúng tuyến cũng là nỗi lo”, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Liệt Lê Thị Thanh Ngà chia sẻ.

Trao đổi với Công ty Sông Đà 1.01, ông Lê Hà Phương, Giám đốc điều hành xác nhận, tình trạng này phần nhiều là do “lịch sử” để lại. Bởi ngày 31/12/2022, Sông Đà 1.01 đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, công ty đã bầu ra Hội đồng quản trị mới, các cá nhân để xảy ra những sai phạm trên đều đã miễn nhiệm. Cụ thể, tại Đại hội đã thông qua Nghị quyết miễn nhiệm ông Nguyễn Bình Đông – thôi làm Phó Giám đốc công ty, đồng thời thông qua việc hủy bỏ quyết định giao ông Nguyễn Bình Đông triển khai dự án Eco Green Tower.

Về nghiệm thu công trình, ông Phương cho biết, ông cũng mới tiếp nhận vị trí Giám đốc điều hành ngày 6/4/2023. Để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, ngày 7/4, ông đã cho tổ chức họp dân cư nhưng lại không có sự góp mặt của đại diện Ban giám đốc Công ty Bình Minh (?). Ông Phương cho biết, có nhiều hồ sơ dự án đang “tản mát” giữa Công ty Sông Đà 1.01 và Công ty Bình Minh. Hiện, Công ty Sông Đà 1.01 đang yêu cầu ông Đông cùng Công ty Bình Minh bàn giao các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan để công ty hoàn thành nghiệm thu cho dự án.

Ban lãnh đạo mới của Công ty Sông Đà 1.01 sẽ cố gắng hoàn thành sớm nhất để cấp điện, nước sinh hoạt cho người dân, ông Phương khẳng định, dù có ai làm Giám đốc Sông Đà 1.01, thì ban lãnh đạo đều phải kế thừa trách nhiệm, nghĩa vụ đối với dự án Eco Green Tower Giáp Nhị.

Được biết, về sổ đỏ, sổ hồng, hiện Sông Đà 1.01 đang đối chiếu công nợ với hợp đồng này, đối chiếu cả với phía ngân hàng TP Bank. Trường hợp tiền của người dân đóng đầy đủ thì sẽ xuất hóa đơn và làm thủ tục cho người dân. Trường hợp vướng mắc, sẽ tìm điểm vướng và tháo gỡ.