Những biển báo không đồng nhất

Việc thiếu sự đồng nhất ở hệ thống biển báo giao thông có thể gây hiểu lầm, thậm chí dẫn đến tai nạn giao thông. Đáng tiếc, điều đó vẫn tồn tại trên nhiều tuyến cao tốc của chúng ta.

Khoảng 10 năm trước, trên tuyến cao tốc từ Hà Nội đi Thái Nguyên, có nhiều biển báo về giữ khoảng cách an toàn cho các phương tiện, trên đó có ghi “Giữ khoảng cách 50m” cùng dòng chữ tiếng Anh “Keep space around your vehicle 50m” (nếu dịch ra tiếng Việt là: giữ khoảng cách xung quanh xe của bạn 50m).

Chúng tôi nói vui là nếu tuân thủ theo nội dung cảnh báo bằng tiếng Anh đó, thì xe của bạn sẽ phải bay lơ lửng cách mặt đường 50m.

Biển chỉ dẫn với dòng chữ tiếng Anh Keep space around your vehicle (Ảnh: Tác giả Phạm Quang Vinh)

Biển chỉ dẫn với dòng chữ tiếng Anh Keep space around your vehicle (Ảnh: Tác giả Phạm Quang Vinh)

Tôi được biết, sau khi nhận được phản ánh, cơ quan quản lý đã bỏ những biển báo đó đi, nhưng vẫn còn 1 biển báo ở gần nút giao Thịnh Đán vẫn còn ghi nội dung này.

Nhưng đây không phải là một trường hợp cá biệt.

Trên một tuyến đường khác mới được thông xe không lâu, đó là cao tốc Mai Sơn – QL45. Đây là đoạn đường không có làn khẩn cấp kéo dài liên tục, mà đi một vài km mới có một đoạn dừng khẩn cấp.

Khi chúng ta đi gần tới đoạn dừng khẩn cấp này, sẽ có biển chỉ dẫn, trên đó có ghi “Dải dừng xe khẩn cấp”. Nhưng điều đáng nói là bên dưới lại có thêm 1 dòng chữ tiếng Anh “Emergency refuge area” (tạm dịch là: Khu vực trú ẩn khẩn cấp).

Nội dung 'Emergency refuge area' được ghi trên một biển chỉ dẫn (Ảnh: Tác giả Phạm Quang Vinh)

Nội dung ‘Emergency refuge area’ được ghi trên một biển chỉ dẫn (Ảnh: Tác giả Phạm Quang Vinh)

Có tương đối nhiều ví dụ như vừa nêu khi nói về những biển báo, biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh.

Biển báo giao thông, biển chỉ dẫn của chúng ta đang khá tùy tiện, cái thì chỉ có tiếng Việt, cái thì xen lẫn tiếng Anh, nếu có tiếng Anh thì lại khá tối nghĩa hoặc được dịch theo kiểu word-by-word (để chỉ việc dịch ngôn ngữ theo từng từ một, khiến cho câu văn được dịch sai ngữ pháp hoặc khó hiểu).

Điều này khiến cho tác dụng của việc có thêm tiếng Anh trên các biển báo trở nên vô giá trị, thậm chí là buồn cười, phản cảm.

Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều hành, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ, Cục Đường cao tốc nên có một quy định đồng nhất trong việc sử dụng ngoại ngữ trên biển báo giao thông, biển chỉ dẫn.

Cũng phải nói thêm, không chỉ tiếng Anh, mà ngay cả tiếng Việt trên các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông cũng chưa đồng nhất hoặc có vấn đề, đặc biệt là tính chỉ dẫn rất kém.

Đây không nên coi là một việc nhỏ, bởi sau khi một con đường, một tuyến cao tốc đi vào hoạt động, việc có hệ thống biển báo, chỉ dẫn phù hợp, logic và có hệ thống là điều rất quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự an toàn trên các tuyến đường, tuyến cao tốc đó.

Nguồn: https://vovgiaothong.vn/newsaudio/nhung-bien-bao-khong-dong-nhat-d41450.html?