Tuấn Đặng chuẩn bị kỹ lưỡng cho “tình huống xấu nhất” khi bão Milton sắp đổ bộ vào Florida, bởi gia đình anh không thể đi sơ tán theo khuyến cáo.
“Kể từ khi đến Mỹ định cư vào năm 2016, chưa bao giờ gia đình tôi nghĩ sẽ phải đối diện với thiên tai nguy hiểm như cơn bão Milton sắp đổ bộ vào Florida. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện rằng khi cơn bão này qua đi, người thân, bạn bè, hàng xóm còn đầy đủ. Còn người sẽ còn tất cả”, Tuấn Đặng, 38 tuổi, đang sống tại thành phố Tampa, bang Florida, chia sẻ với VnExpress.
Bão Milton tăng sức mạnh với tốc độ chóng mặt vào cuối tuần qua, đạt cấp 5, cấp cao nhất của Mỹ, trong vòng 24 giờ kể từ khi hình thành trên Vịnh Mexico hôm 6/10 và trở thành cơn bão mạnh nhất hành tinh trong năm nay. Sáng 9/10, bão Milton đã hạ một cấp, với sức gió 250 km/h, dự kiến đổ bộ vào khu vực Vịnh Tampa, Florida vào tối cùng ngày (sáng 10/10 giờ Hà Nội).
Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ (NWS) cảnh báo Milton có khả năng trở thành cơn bão “tồi tệ nhất từng đánh trực diện vào Vịnh Tampa trong hơn 100 năm qua”. Chính quyền Florida và các cơ quan liên bang phát báo động sơ tán cho 11 hạt của Florida với khoảng 5,9 triệu người đang sinh sống, theo AP.
Tuy nhiên, sơ tán vào thời điểm này không phải là lựa chọn dễ dàng đối với nhiều người ở Florida, trong đó có cộng đồng gốc Việt. Khảo sát nhân khẩu học Mỹ năm 2020 cho thấy hơn 83.000 người gốc Việt đang sinh sống tại bang này, tập trung chủ yếu ở ba thành phố Orlando, Miami và Tampa.
“Gia đình tôi có 6 thành viên, trong đó ba người tuổi đã cao. Từ Tampa đến các bang lân cận Florida lúc này phải mất hơn 10 giờ lái xe. Nếu di chuyển đường xa, gặp phải cảnh ùn tắc hay không đủ xăng, rồi lại chơ vơ giữa đường lúc bão ập đến thì còn nguy hiểm hơn”, anh Tuấn nêu lý do gia đình quyết định ở lại, không sơ tán theo khuyến cáo của giới chức.
Những tuyến cao tốc ở Florida trong cả ngày 7/10 và sáng 8/10 chứng kiến tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng bởi dòng xe sơ tán đổ về liên tục, trong khi khách sạn và nhà nghỉ quá tải ở những vùng an toàn lân cận Tampa.
Theo công ty theo dõi thị trường xăng dầu Mỹ GasBuddy, khoảng 17% trong số gần 8.000 trạm xăng ở Florida đã cạn nhiên liệu dự trữ vào cuối ngày 8/10, khiến nhiều xe đi sơ tán không thể tiếp thêm nhiên liệu.
Xuân H., đang sinh sống tại Tampa và làm y tá cho bệnh viện địa phương, cũng có cùng những lo lắng như Tuấn Đặng.
“Gia đình tôi còn có một bé 5 tuổi, nên việc di tản khỏi Tampa rất khó khăn. Nhiều trạm xăng thời điểm này chỉ cho phép đổ đầy bình. Nếu gặp cảnh ùn tắc và phải rẽ khỏi cao tốc nhiều lần để chăm sóc cho bé, vợ chồng tôi lo không đủ xăng đến hết hành trình”, Xuân nói, thêm rằng mùa bão năm nay quá khác thường so với 7 năm cô sống tại Florida.
Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) của Mỹ nhận định Milton có thể đổ bộ vào vùng thưa dân phía nam Vịnh Tampa trong đêm 9/10, nhưng mưa gió cùng hoàn lưu bão có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực và rộng hơn nữa. NHC cũng thừa nhận khó phán đoán chính xác điểm đổ bộ của bão Milton và lưu ý mọi dự báo về đường đi của bão sẽ có độ sai lệch khoảng 96 km.
“Thật sự không biết phải chạy xa đến đâu để tránh bão. Khách sạn ở những khu vực khác như Jacksonville hay Orlando đều hết phòng, mà cũng có thông tin rằng các thành phố này cũng nằm trong diện nguy hiểm”, Xuân cho hay.
Những yếu tố khó lường của bão Milton khiến gia đình chị quyết định bám trụ lại Tampa, một phần vì căn nhà đang nằm trong “vùng E”, khu vực đất cao cách xa bờ biển và được đánh giá là nơi có thể trú ẩn khi bão đến.
Chính quyền cũng thông báo chi tiết danh sách địa điểm trú ẩn trong trường hợp cấp bách như trường học, trung tâm cộng đồng và nhà thờ vốn được xây dựng kiên cố hơn. Địa điểm trú ẩn gần nhất cách nhà Xuân khoảng 5 km.
Xuân cho biết chính quyền và các tình nguyện viên cũng đã đến từng nhà phát lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân những ngày qua. Gia đình cô chủ động tích trữ nước sạch và mì gói, cất những giấy tờ quan trọng lên nơi cao ráo đề phòng ngập lụt.
Xuân và chồng dự tính gửi một ôtô ở điểm tập kết của địa phương, giữ lại một chiếc ở nhà để phục vụ công việc hoặc chạy đến nơi trú ẩn nếu tình hình nguy hiểm. Cô hy vọng việc đi lại những ngày tới không gặp quá nhiều xáo trộn, khi địa phương có tổ chức xe buýt và các hãng xe công nghệ sẽ hỗ trợ chở khách miễn phí đến nơi trú ẩn.
Dù lo lắng cho an toàn của bản thân, cộng đồng gốc Việt tại Florida vẫn tìm cách giúp đỡ lẫn nhau trong các hội nhóm để sẵn sàng ứng phó với bão.
Anh Tuấn những ngày qua liên tục chia sẻ thông tin tại các trang cộng đồng về tuyến xe buýt sơ tán và thông báo sẵn sàng đến giúp những người cao tuổi cần hỗ trợ.
“Tôi cũng sợ nhà cửa hư hại, ngập lụt nên cố gắng chuẩn bị hết sức cho trường hợp xấu nhất. Nhưng tôi nghĩ rằng ngoài lo cho bản thân và gia đình, chúng ta cũng cần quan tâm những người xung quanh. Hàng xóm láng giềng phải cùng nương tựa trong những lúc này”, anh nói.
Xuân cảm thấy ấm lòng khi đọc nhiều bài viết từ bà con người Việt ở các thành phố và bang lân cận, mời những người phải sơ tán khỏi Florida đến ở miễn phí cho đến khi bão tan.
Khi bão Helene quét qua Florida và các bang đông nam nước Mỹ chưa đầy hai tuần trước, Xuân xót xa khi nghe tin nhiều người gốc Việt mất trắng tài sản, nhà cửa vì thiên tai. Nhiều người còn chưa hoàn tất thủ tục bảo hiểm, giờ đây lại một lần nữa phải sơ tán.
Các đồng nghiệp của Xuân tại bệnh viện lo ngại bão Milton lần này sẽ còn gây hậu quả khủng khiếp hơn nữa, khi sức mạnh của bão vào thời điểm đổ bộ dự kiến đạt mức 3, mạnh hơn một cấp độ so với Helene. Bệnh viện đã vận động những nhân sự không có con nhỏ, hoặc có nhà trong vùng an toàn và đã chuẩn bị đầy đủ cho gia đình, đến hỗ trợ đội ngũ tình nguyện viên.
Lái xe về nhà sau ca trực đêm kết thúc vào 8h ngày 9/10, Xuân dự định sẽ trở lại bệnh viện vào buổi tối, sẵn sàng cùng các đồng nghiệp ứng phó trong đêm bão đổ bộ.