Nghĩa vụ nhường đường trên cao tốc: Không chỉ là văn hóa giao thông tiên tiến mà còn là phẩm chất nhân cách của người tài xế

Việc một chiếc xe bám làn trái, không chỉ gây ức chế cho tài xế khác, mà có thể mang tới nhiều rủi ro tai nạn.

Nếu chúng ta nói câu chuyện bám làn trái là sai luật, là không có văn hóa giao thông với những người cương quyết bám làn trái thì tôi nghĩ cũng chỉ phí công vô ích. Vì chỉ khi nào họ bị phạt vì lỗi đó, thì họ mới sợ. Nhưng tiếc thay ở Việt Nam CSGT chưa phạt lỗi này, vì đơn giản quá khó để xử phạt cũng như xác định hành vi vi phạm.

Những tài xế này cần phải biết được rằng, việc khư khư ở làn trái là một tội ác. Vì họ có thể gây tai nạn cho người khác, và cả cho chính bản thân họ.

Tôi là người lên cao tốc thường chạy tối đa tốc độ cho phép, và sẽ gặp tình trạng như sau. Khi gặp xe bám làn trái và chạy chậm, tôi sẽ bật xi-nhan xin đường, và nếu không xin được, sẽ đảo sang làn phải để chạy. Nhưng ở làn phải chỉ toàn những người chạy chậm (đúng luật), nên một lần nữa tôi lại đảo lại làn trái. Và lúc này, tôi lại gặp tiếp một xe khác bám làn, và cũng không xin được đường, tôi lại đảo sang phải. Cứ như thế, tôi “rang lạc”, “xào chẻ”, “múa lân” liên tục trên cao tốc, dù không hề mong muốn.

Một mình tôi chạy như vậy có thể không sai, nhưng hàng chục, hàng trăm xe chạy như vậy thì đường cao tốc trở nên rất loạn. Lúc ấy, nguy cơ va quệt trở nên cao hơn. Đặc biệt, khi đang chạy rất nhanh nhưng gặp xe chạy chậm ở làn trái, tài xế phải phanh gấp, nếu xe sau không làm chủ được tốc độ, rất dễ gây ra tai nạn liên hoàn. Không những thế, nếu những xe muốn vượt không làm chủ được tốc độ, thì chính người ôm làn trái cũng rước họa vào thân.

Ngoài ra, nếu chuyển sang bên phải, những tài xế bên phải đi chậm, cộng với người bên trái cũng đi chậm thì án ngữ trước mặt, không còn chỗ nào cho tôi lách lên cả.

Mong rằng, các tài xế lái xe văn minh hơn. Tại sao những điều này tài xế nước ngoài làm được, mà chúng ta lại không làm được. Ai đó đừng nói rằng vì hạ tầng khác nhau. Tôi đã lái xe ở cả châu Âu, Á, Mỹ, và cao tốc của họ kiểu Việt Nam cũng rất nhiều, và họ vẫn văn minh nhường trái.

Nghĩa vụ nhường đường trên cao tốc

Theo Luật Giao thông đường bộ Việt Nam, xe đi chậm phải đi bên phải và bắt buộc nhường đường khi điều kiện thông thoáng.

Tình trạng chiếm làn trái sát dải phân cách trên cao tốc là thứ khiến nhiều tài xế rất khó chịu vì không chỉ ảnh hưởng tới thời gian di chuyển mà còn liên quan tới độ an toàn. Việc giữ làn trái là đúng luật hay sai được cộng đồng tài xế thảo luận nhiều và luôn có quan điểm trái chiều. Nhiều người cho rằng đi đúng tốc độ quy định thì làn nào cũng như nào, số khác nghĩ việc nhường đường là quy định trong luật.

Vậy việc bám làn trái được quy định trong luật như thế nào? Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, tài xế không được chiếm giữ làn trái nếu không phải đang vượt.

Cụ thể, luật quy định trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. Điều đó có nghĩa, nếu trên đường cao tốc quy định làn trái chạy tối đa 120 km/h, nhưng xe chỉ đi 100 km/h thì tài xế phải cho xe di chuyển ở các làn bên phải, nhường làn trái cho xe chạy nhanh hơn.

Chia sẻ của Lê Thượng Tiến, giám khảo của Car Awards 2023, về việc ôm làn trái trên cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo, đầu 2024.

Ngoài ra, luật cũng quy định về nguyên tắc nhường đường cho xe xin vượt như sau: khi có xe xin vượt, nếu đủ điều kiện an toàn, người điều khiển phương tiện phía trước phải giảm tốc độ, đi sát về bên phải của phần đường xe chạy cho đến khi xe sau đã vượt qua, không được gây trở ngại đối với xe xin vượt.

Quy định trên có nghĩa là, nếu phía trước thông thoáng, tài xế vẫn nhường đường cho xe xin vượt, bất kể đang ở tốc độ nào. Xe phía sau có thể vượt quá tốc độ cho phép, nhưng tài xế xe phía trước vẫn cần nhường đường nếu điều kiện cho phép.

Các chuyên gia lái xe an toàn cho biết, việc nhường đường khi đã chạy tốc độ tối đa trong một số trường hợp còn đảm bảo an toàn cho chính tài xế. Bởi lẽ, xe phía sau nếu chạy rất nhanh, không loại trừ khả năng xe đang gặp vấn đề như kẹt ga, mất phanh nên không thể giảm tốc độ. Lúc này, nhường đường chính là cách bảo đảm an toàn cho bản thân.

Dưới góc độ an toàn trên cao tốc, nếu các tài xế bám trụ ở làn trái dù chạy chậm, không cho các xe phía sau vượt sẽ dẫn tới tình trạng các xe phía sau đảo sang làn bên phải, rồi lại chuyển về làn trái, cứ thế nhiều lần, rất nguy hiểm cho những phương tiện khác.

Cách lái xe tốt nhất, phổ biến trên thế giới là các tài xế chạy ở làn bên phải, hoàn toàn để trống làn trái cho những xe cần vượt. Ngay cả những xe cần vượt, sau khi vượt lại quay về làn phải, nhường làn trái cho người có nhu cầu đi nhanh hơn. Trên nhiều đường cao tốc tại Việt Nam hiện nay cũng gắn những bảng chỉ dẫn với nội dung “nhường làn trái cho xe muốn vượt”.

Nghị định 100/2019 quy định, trường hợp tài xế cho xe chạy tốc độ thấp hơn các xe khác đi cùng chiều mà không đi về bên phải phần đường xe chạy sẽ bị phạt 400.000-600.000 đồng. Trong khi đó Nghị định 123/2021 quy định, tài xế không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng hoặc 2-4 tháng nếu gây tai nạn giao thông.