Khi nước lũ dâng cao nhấn chìm các nhà dân và chuồng trại, người ta lại thấy những mái nhà xanh nổi lên, mở cửa cho bà con vào trú ngụ cùng với lương thực và nước sạch được trữ sẵn từ trước. 10 năm qua, người dân ở Quảng Bình cũng nhờ thế mà “sống vui với lũ”.
“Sống với lũ, vẫn vui!”
Xã Tân Hoá ở Quảng Bình nằm ở vùng trũng thấp, như một túi chứa nước khổng lồ, hứng toàn bộ nước từ các khu vực lân cận như Thượng Hoá, Trung Hoá, Xuân Hoá và thị trấn Quy Đạt đổ về. Do nước chỉ có thể thoát qua hang Tú Làn, khi có mưa lớn kéo dài, khu vực này dễ dàng bị ngập lụt nghiêm trọng. Lũ tại Tân Hoá thường dâng rất nhanh, có khi đạt mức lịch sử lên đến 14m, gây thiệt hại nặng nề về con người và tài sản.
Trong trận lụt lịch sử năm 2010 với hàng trăm người dân suýt bị cuốn trôi và “đói rét trong hang đá”, làng Tân Hóa gắn với cái tên “rốn lũ” tang thương từ đó.
Tháng 9/2024, khi bão số 4 vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây mưa to diện rộng. Nước từ các sông, suối trên thượng nguồn lại đổ về Tân Hóa gây ngập nặng nề, có tới 428 hộ dân bị ảnh hưởng nặng do nước lũ.
Mưa lũ sau bão số 4 đã làm hơn 400 nhà dân ở Tân Hóa bị ngập sâu từ 0,5 – 2 m.
Trưa 20/9, chúng tôi được ông Trương Xuân Hùng, phó chủ tịch xã Tân Hóa lái thuyền đi thăm người dân đang bị cô lập vì nước lũ. Bất ngờ thay với không khí lạc quan vui vẻ của người dân nơi đây. Họ không còn chạy lũ, cầu cứu ai tiếp tế đồ ăn thức uống mà đã chủ động sống thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi hộ dân đều trang bị nhà phao tránh lũ, có thuyền gỗ, thuyền nhôm để đi lại sinh hoạt.
Ôm con nhỏ mới sinh 2 tháng trên tay, chị Trần Thị Thơm, ở thôn 3 Yên Thọ vui vẻ tiếp đón chúng tôi và giới thiệu về căn nhà phao nơi 3 mẹ con chị sẽ “tá túc” vài ngày cho đến khi nước lũ rút.
Chị kể, trong trận lũ lịch sử năm 2010, mọi người phải sơ tán lên núi, không có thức ăn, toàn thân ướt sũng vì mưa lũ, mọi người phải chờ trực thăng cứu hộ thả mì tôm xuống để cầm cự chờ nước rút. Từ khi có nhà phao, ký ức kinh hoàng về những trận lũ năm xưa đã không còn.
Bên trong một ngôi nhà phao
“Thấy nước bắt đầu dâng thì tôi và mẹ chồng cùng dọn đồ đạc lên nhà phao, kể cả tủ lạnh, tivi… Tôi vẫn có thể nấu ăn bằng bếp gas, pha sữa cho con bằng những bình nước sạch dự trữ từ trước. Dân ở đây ai cũng như thế, không sợ lũ và không phải chạy lũ lên núi cao như trước nữa”.
Khi cơn bão Yagi quét qua miền Bắc, ông Trương Xuân Hùng vẫn theo dõi các thông tin và cầu mong bà con sớm vượt qua thiên tai. “Ở miền Bắc, nước lũ chảy xiết, địa hình không phù hợp để xây dựng những ngôi nhà phao như ở làng chúng tôi. Bà con ở đây rất chủ động ứng phó với lũ. Khi nghe tin dự báo thì mọi người đã đi gửi các tài sản giá trị lớn ở những nơi khác. Trẻ nhỏ, người già đau yếu, sản phụ… thì chúng tôi chỉ đạo các Ban phòng chống thiên tai của các thôn đưa đến các Trạm y tá ở xã, cư trú ở đó sẽ an toàn hơn. Học sinh ở vùng ngập không đi học được thì tạm nghỉ rồi sau sẽ học bù vào các ngày cuối tuần”, ông Hùng chia sẻ.
Gặp một người đàn ông đang lái thuyền chở người dân đi mua lương thực, khi hỏi về mô hình nhà phao ở làng mình, anh hào hứng nói: “Bây giờ nhà nào không có nhà phao là chết đói như năm 2010 đấy. Chi phí làm một nhà phao chỉ khoảng 30 – 40 triệu. Hộ nghèo được hỗ trợ 100%, cận nghèo được hỗ trợ 70%. Bà con ở đây cũng giúp đỡ nhau trong bão lũ, nhà cao giúp nhà thấp. Ở rốn lũ quen rồi nên bây giờ bảo chuyển đi nơi khác chúng tôi cũng không đi. Ở đâu quen đó. Sống với lũ vẫn vui!”.
Từ căn “nhà phao” đầu tiên vào năm 2014
Nhóm phát triển mô hình nhà phao chống lũ này chính là dự án cộng đồng mang tên Nhà Chống Lũ do doanh nhân Phạm Thị Hương Giang (mà cộng đồng hay gọi là Jang Kều hay Jang “Lũ”) khởi xướng.