Em út thừa kế miếng đất chẳng ai thèm, đến lúc tăng giá anh chị xúm nhau đòi

Đọc mấy câu chuyện tranh giành đất đai do cha mẹ để lại, nhiều lúc thấy chán ngán quá các mẹ. Giá như ai cũng nghĩ như mình, có đủ rồi đừng đòi thêm của cha mẹ thì hay biết mấy.

Em có đọc được câu chuyện của anh nọ tâm sự về việc chia đất đai trên trang VNE mà thấy tội cho anh quá. Anh kể mình là em út trong nhà sống với cha mẹ từ trước đến nay. Khi anh có vợ, con cũng ở nhà đó. Đến ngày nọ, cha mẹ thấy mình ‘gần đất xa trời’ nên mọi gọi các anh chị em về nhà để họp bàn chia tài sản.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: LSX. 

Ai nấy đều được cha mẹ lo ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng, có con cái và nhà cửa đầy đủ. Chỉ có anh là út trong nhà hiện vẫn sống với cha mẹ để phụng dưỡng, chăm sóc họ lúc tuổi già. Tài sản cha mẹ dành dụm bấy lâu đều để lo hết cho con cái, giờ còn duy nhất mỗi căn nhà từ đường đang ở và miếng đất ruộng gần đó.

Thời điểm bàn chia tài sản, nói thật miếng đất ruộng ấy có giá rẻ nên chẳng ai thèm. Nếu bán lấy tiền đem chia thì mỗi người cũng chẳng được bao nhiêu. Thấy thế nên mấy anh chị mới bàn với nhau thôi để lại cho út vì ai cũng có nhà cửa hết rồi, vả lại út ở với cha mẹ có gì cần thì bán lấy tiền lo. Nghe con cái nói vậy, cha mẹ yên tâm phần nào vì thấy anh chị em hiểu và thương nhau, chứ không giống như các gia đình khác.

Nhiều năm sau đó cha mẹ mất đi, chỉ còn anh út ở căn nhà từ đường lo thờ cúng tổ tiên và mảnh đất ruộng năm nào được thừa kế. Không ngờ mảnh đất ấy giờ tăng phi mã, nếu tính toán không lầm cũng phải hơn chục tỷ.

Cứ nghĩ giờ là lúc út được nhận những gì mình đã hy sinh, lo lắng cho cha mẹ, nhưng nào ngờ các anh chị lại xúm nhau đòi chia phần mảnh đất. Dù không phải là kẻ tham tài sản gì, nhưng thấy anh chị mình như vậy, út buồn lắm. Nào giờ cứ nghĩ anh chị thương mình, đất tăng giá cũng là lúc tình yêu thương họ dành út giảm đi.

Anh út không biết phải làm thế nào khi ở trong tình thế này. Nếu dựa theo đúng di nguyện của cha mẹ thì anh cứ thế giữ lại miếng đất vì nó thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên làm như vậy coi như cắt đứt tình anh chị em với nhau. Còn chia cho anh chị thì đâu còn là di nguyện của cha mẹ nữa, hơn nữa phải chia thế nào đây. Vì các mẹ cũng biết rồi đó, chia sao cũng không vừa lòng nhau cả.

Về nguyên tắc, theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, đối với trường hợp này, nên xem lại di chúc cha mẹ để lại cho anh út như thế nào? Di chúc có hợp pháp hay không? Đồng thời, sau khi cha mẹ mất cũng là lúc mở thừa kế, miếng đất ấy đã được làm thủ tục khai nhận di sản và sang tên cho anh út chưa?

– Trong trường hợp di chúc cha mẹ để lại tài sản cho út là bằng văn bản, hợp pháp về mặt nội dung lẫn hình thức và làm thủ tục sang tên đầy đủ thì không còn gì phải bàn cãi nữa, miếng đất ấy vẫn là của anh út.

– Ngược lại, nếu đó là di chúc miệng thì cần phải xem xét đến tính hợp pháp của nó vì lúc lập phải có ít nhất 2 người làm chứng, thể hiện ý chí cuối cùng của người để lại và trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày di chúc miệng được lập ra, di chúc ấy phải được công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định.

– Trong trường hợp di chúc (bằng văn bản hoặc bằng miệng) không hợp pháp thì sẽ chia tài sản thừa kế theo luật, theo nguyên tắc chia đều cho tất cả thành viên còn sống ở hàng thừa kế thứ nhất.

Căn cứ quy định của Bộ luật dân sự 2015, hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ hoặc chồng, cha, mẹ và con. Như trong trường hợp này nhiều khả năng chỉ còn lại các người con, nên sẽ xét chia theo luật khi các bên có yêu cầu.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Em nói thật rằng việc phân chia rạch ròi tài sản thừa kế của ai và như thế nào cho đúng luật không quá khó, vì cứ theo quy định mà triển thôi ạ. Quan trọng nhất vẫn là cách ứng xử làm sao cho hợp tình và thuận lòng của các anh chị mới là khó nè.

Thực tế trong thời gian qua có biết bao nhiêu vụ án xảy ra do mâu thuẫn tranh giành tài sản thừa kế, tài sản vẫn còn nhưng kẻ mất, người còn chuốc lấy đau thương. Nếu ai cũng hiểu được rằng tài sản của cha mẹ chia như thế nào là quyền của họ, mình phận con không xen vào thì hay biết mấy, phải không các mẹ?