Cao tốc Bến Lức – Long Thành từ điểm đầu giao với cao tốc TP.HCM – Trung Lương đến quốc lộ 1 đã hoàn thành. Tuy vậy, đoạn 250m nối tạm giữa 2 tuyến thi công hơn 2 tháng nay vẫn không xong.
Công trình cấp bách, thi công ì ạch
Sáng 15/12, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn kiểm tra thi công đoạn 250m nối cao tốc Bến Lức – Long Thành với cao tốc TP.HCM – Trung Lương.
Bên trái là đoạn 250m đường nối cao tốc Bến Lức lên cao tốc Trung Lương từ giữa tháng 10 (đoạn rải vải địa kỹ thuật màu trắng). Sau 2 tháng, nhà thầu mới thi công lên phần nền đường, chưa hoàn thành thảm bê tông nhựa. Ảnh: Phan Tư.
Tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, đoạn đầu tuyến nối với cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đã hoàn thành mấy tháng qua. Tuy vậy, đoạn đường nối hai tuyến cao tốc đến nay vẫn chưa xong. Đoạn này dài 250m, còn gọi là nhánh A1.
Trước đó, ngày 16/10, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiểm tra đoạn tuyến này. Ban quản lý dự án, nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ để cuối tháng 11 hoàn thành, bàn giao. Thời điểm ấy, đoạn nối này đang thi công phần nền cát. Tiến độ sau đó tiếp tục bị “lụt”. Nhà thầu hứa hẹn ngày 20/12 hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa xong phần nền đường.
Ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết, các hạng mục do VEC thực hiện đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào khai thác bất cứ khi nào tuyến kết nối xong. Tuy vậy, 2 tháng qua, cao tốc nghìn tỷ vẫn nằm chờ 250m đoạn kết nối.
Tại công trường, không khí thi công rất u ám, toàn đoạn tuyến gần như không có máy móc. Một vài công nhân đang cào gạt phần lề đường.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Chỉ huy trưởng Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Sơn (Phú Thọ), cho hay, còn một lớp cấp phối đá dăm với khối lượng khoảng 1.000 khối nhưng 3 tuần qua mua đá ở mỏ Tân Cang không có.
Trong khi đó, ông Trần Thiện Trúc, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An thông tin, hôm nay mới có sà lan chở đá về. Túc tắc làm phải 2 tuần mới xong phần nền, sau đó đến lớp bê tông nhựa cũng mất thêm 10 ngày.
“Chúng tôi đang đốc thúc Ban quản lý dự án, nhà thầu đến 31/12 sẽ xong, sau đó sơn kẻ vạch, hộ làn và bàn giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam để khai thác kết nối hai tuyến cao tốc”, ông Trúc nói.
Tuy vậy, khi Thứ trưởng quay sang hỏi chỉ huy trưởng nhà thầu, vị này ậm ờ không dám hứa chắc chắn.
Kiểm tra tiếp nhánh A – kết nối chính từ cao tốc Bến Lức – Long Thành lên cao tốc Trung Lương, phần đường dẫn và cầu vượt thuộc dự án Vành đai 3 qua tỉnh Long An. Phần cầu vượt (do công ty Trung Thành) thi công đã hoàn thành bản mặt cầu, còn lắp lan can, khe co, sau đó thảm bê tông nhựa. Tuy vậy, rất ít công nhân thi công, không có không khí “3 ca, 4 kíp” như chỉ đạo của Thủ tướng.
Phần đường cũng do Công ty Tam Sơn thi công vẫn ì ạch. Từ giữa tháng 10, thời điểm Thứ trưởng Lê Anh Tuấn kiểm tra đến nay đã 2 tháng, công trường chưa có chuyển biến nhiều. Mặc dù đã xong gia tải, việc huy động cát về để thi công nền rất chậm. Trong sáng 15/12, khi đoàn kiểm tra, không có máy móc, thiết bị thi công ở hạng mục này.
Quá sốt ruột, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn gọi điện thoại cho Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An đề nghị có sự chỉ đạo sát sao hơn về tiến độ.
Nhà thầu không hoàn thành như cam kết sẽ cảnh cáo
Ông Đinh Mạnh Đức, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đầu tư xây dựng, cho biết, với hạng mục hiện có, nếu các đơn vị của Bộ GTVT triển khai, chỉ trong một tháng là hoàn thành toàn bộ để kết nối hai cao tốc.
Phân bua về tiến độ của nhánh A, ông Trần Phát Đạo, Phó giám đốc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng đường Vành đai 3 qua Long An, cho hay, theo hợp đồng, nhánh A phải đến quý I/2025 mới hoàn thành, vì vậy để thúc nhà thầu rút ngắn tiến độ cũng khó.
Tại công trường, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ghi nhận việc triển khai các hạng mục Vành đai 3 qua Long An tốt hơn so với những địa phương khác. Tuy nhiên, việc sắp xếp công việc chưa thực sự hợp lý. Những hạng mục cần đẩy nhanh để kết nối lại chưa huy động máy móc, nhân lực tập trung thi công.
Thứ trưởng lưu ý, Vành đai 3 TP.HCM là công trình trọng điểm, vì vậy tiến độ phải được kiểm soát chặt, thi công “3 ca, 4 kíp”, không bám theo hợp đồng mà phải rút ngắn tiến độ.
Thứ trưởng cho biết, nhiều đoạn tuyến cao tốc trên cả nước đang thi đua, rút ngắn tiến độ nhiều tháng. Cả sân bay Long Thành cũng được yêu cầu rút ngắn 8 tháng để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác. Vì cớ gì một nhánh đường nối cao tốc lại ì ạch thi công mấy tháng?
Với đoạn 250m – nhánh A1 kết nối tạm hai tuyến cao tốc, Thứ trưởng yêu cầu phải hoàn thành, đưa vào khai thác đúng ngày 31/12. Yêu cầu giám sát chặt chẽ nhà thầu Công ty Cổ phần Đầu tư Tam Sa, nếu lần này không hoàn thành theo cam kết, sẽ có thông báo cảnh cáo.
Với nhánh A – nhánh chính kết nối hai tuyến cao tốc, Thứ trưởng yêu cầu Ban quản lý dự án tỉnh Long An, hai nhà thầu Tam Sa, Trung Thành phải huy động tối đa nhân lực, thiết bị để thi công. Không căn cứ hợp đồng hết quý I/2025 mới xong, mà rút ngắn tiến độ sớm ngày nào hay ngày đó. Bởi, đây là tuyến đường rất có ý nghĩa với người dân Long An và TP.HCM, giúp giảm kẹt xe trên cao tốc Trung Lương đoạn qua Bình Chánh (TP.HCM).
Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 57,8km, nối Long An – TP.HCM – Đồng Nai, tổng mức đầu tư gần 30.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, sẽ thông xe trước đoạn từ cao tốc Trung Lương đến quốc lộ 1 (Bình Chánh, TP.HCM) và từ cảng Phước An, Nhơn Trạch đến quốc lộ 51 (Đồng Nai).