Ngay tháng sau, Việt Nam sẽ hoàn thành cây cầu hơn 260 tỷ đồng bắc qua kênh đào gần 150 năm tuổi, ‘yết hầu’ của đất Chín Rồng

Cây cầu được xây dựng với quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực.

Chiều ngày 12/10, các đơn vị thi công đã hoàn thành mẻ bê tông cuối cùng, hợp long thành công cầu Chợ Gạo trên trục Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền), kết nối vùng kinh tế phía Tây với Trung tâm và vùng phía Đông tỉnh Tiền Giang.

Dự án này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho tỉnh Tiền Giang, giúp phát huy tối đa tiềm năng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển bền vững, đặc biệt là khu vực ven sông Tiền và vùng Duyên hải phía Đông – nơi hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang chứng kiến đổ bê tông hợp long cầu kênh Chợ Gạo. Ảnh: Báo Giao Thông

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang chứng kiến đổ bê tông hợp long cầu kênh Chợ Gạo. Ảnh: Báo Giao Thông

Cầu Chợ Gạo nằm trên địa bàn xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo, với tổng vốn đầu tư hơn 263 tỷ đồng. Cầu được xây dựng kiên cố bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, có quy mô dài gần 600m, mặt cầu rộng 12m, thảm bê tông nhựa.

Cầu bao gồm 11 nhịp, trong đó có 3 nhịp chính được thiết kế đúc hẫng cân bằng, 8 nhịp còn lại sử dụng dầm super T. Đường dẫn vào cầu mỗi bên dài gần 300m với mặt đường rộng 12m.

Nhận thức được tầm quan trọng của cầu Chợ Gạo trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, phục vụ phát triển bền vững, nhà thầu đã huy động tối đa phương tiện, trang thiết bị và nhân lực, thi công khẩn trương cả ngày lẫn đêm với phương châm “vượt nắng, thắng mưa” nhằm sớm hoàn thành công trình, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất và đời sống.

Công trình được khởi công vào ngày 26/4/2023, tính đến ngày hôm qua (12/10), khối lượng gói thầu cầu Chợ Gạo đã đạt khoảng 90%. Hiện tại, nhà thầu đang triển khai thi công ngày đêm với quyết tâm hoàn thành trước tiến độ, dự kiến vào cuối tháng 11/2024, sớm hơn kế hoạch hơn 1 tháng.

Kênh Chợ Gạo có lịch sử từ năm 1876, được đào thủ công với khoảng 11.000 nhân công người Việt, đào tổng cộng khoảng 900.000m3 đất trong 676.000 ngày công.

Kênh hoàn thành vào cuối năm 1877, với chiều rộng 30m và chiều dài 12km. Do nhu cầu vận chuyển gia tăng, năm 1913, chính quyền Pháp đã tiến hành nạo vét và mở rộng kênh Chợ Gạo, đạt độ sâu 5m, mở rộng thêm hàng chục mét, biến nơi đây trở thành “con đường xuất khẩu gạo” quan trọng của Nam Kỳ.

Trải qua gần 150 năm, tuyến kênh Chợ Gạo hiện dài 28,5km, đi qua 17 xã và thị trấn của huyện Châu Thành (tỉnh Long An), TP. Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Kênh Chợ Gạo vẫn đóng vai trò là tuyến giao thông thủy huyết mạch, phục vụ vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Tây lên TP. HCM.

Theo Chất lượng và cuộc sống