Năm cây cầu thuộc Tiểu dự án đường sắt Lim – Phả Lại trên địa bàn Bắc Ninh đã làm xong phần cầu nhưng bị cụt, trống toác 2 đầu, bỏ hoang gần 20 năm nay.
Tại tỉnh Bắc Ninh có 5 cây cầu đường sắt được xây dựng gần 20 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Những cây cầu cụt này thuộc dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, với chiều dài 131km (43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp), điểm đầu tại ga Yên Viên (Hà Nội) điểm cuối tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh). Dự án có tổng mức đầu tư 7.665 tỷ đồng, được chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập.
Dự án được khởi công vào năm 2005, dự kiến hoàn thành đầu năm 2012. Tuy nhiên, giai đoạn 2008 – 2011 do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dự án buộc phải giãn tiến độ.
Hiện, công trình mới hoàn thành đưa vào khai thác tiểu dự án đoạn Hạ Long – Cái Lân; 3 tiểu dự án còn lại: Yên Viên – Lim, Lim – Phả Lại, Phả Lại – Hạ Long mới triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, thi công nền đường và một số hạng mục trên tuyến.
Tiểu dự án Lim – Phả Lại tổng chiều dài 35,9 km đi qua địa bàn các huyện: Tiên Du, Quế Võ, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) và TP Chí Linh (Hải Dương); gồm 35,2 km đường sắt, ga Nam Sơn (km 22+120) và ga Châu Cầu (km 33+200) được xây dựng mới toàn bộ; ga Lim (km 11+300) và ga Cổ Thành (km 45+640) được cải tạo. Trong đoạn này sẽ xây dựng 17 cầu các loại, tổng chiều dài 3,5 km
Cầu đường sắt bắc qua sông Thái Bình là một trong năm cây cầu nằm “đắp chiếu” chờ lắp đường ray, đường dẫn, cụt cả 2 đầu. Cầu dài hơn 1km nối xã Đức Long (thị xã Quế Võ, Bắc Ninh) với phường Phả Lại (TP Chí Linh, Hải Dương).
Tương tự, cầu vượt đường sắt đoạn qua Quốc lộ 38, khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh vẫn trống hai đầu.
Bà Đinh Thị Thắm, ở phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh cho biết: “Gần 20 năm trước họ xây một loạt cầu như này nhưng đến nay vẫn bỏ hoang. Việc bỏ hoang thế này không chỉ lãng phí về tiền của mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng tôi, sinh hoạt gia đình bị đảo lộn, mất vệ sinh môi trường và an toàn giao thông”.
Trên Đường TL 279 đoạn qua xã Mộ Đạo, thị xã Quế Võ cũng có cây cụt hai đầu như nhiều cây cầu khác trên trục đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân.
“Gần 20 năm trước khi công nhân, máy móc đến thi công nhộn nhịp, ai cũng nghĩ chẳng mấy chốc sẽ có tuyến đường sắt chạy qua. Không ai ngờ đến nay vẫn bỏ hoang”, ông Đinh Văn Hùng ở xã Mộ Đạo, thị xã Quế Võ nói.
Cây cầu cụt trên Quốc lộ 1A, đoạn qua phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, đứng chơ vơ giữa khoảng không rộng lớn.
Cách đó không xa cũng có một cây cầu bỏ hoang lâu ngày, các thiết bị hoen rỉ, mất an toàn giao thông cho người đi đường.
Bà Nguyễn Thị Vinh (TP Bắc Ninh) cho biết: “Người dân sống ở hai bên đường gần cây cầu này khốn khổ vì vừa bụi bặm, vừa nhếch nhác, không ít nhà muốn xây dựng lại nhưng vì nhiều lý do phải chịu cảnh ở không xong, xây không được”.
Theo tìm hiểu của PV Báo điện tử VTC News, các cây cầu trên thuộc dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, triển khai từ nhiều năm nay. Các cây cầu này chạy qua địa bàn tỉnh Bắc Ninh, tỉnh không phải chủ đầu tư, cũng không thực hiện dự án.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 7/6/2023 về kế hoạch khởi động lại Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng khẳng định, đây là vấn đề nhức nhối với ngành Giao thông vận tải và các cử tri khu vực Bắc Ninh, Quảng Ninh. “Khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tôi cũng đã nhiều lần ký văn bản đề nghị sớm khởi động lại dự án để tránh lãng phí đầu tư và không ảnh hưởng đời sống của người dân vùng dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin.
Được biết, Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án làm cơ sở triển khai đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030. Đầu tháng 7/2024, Bộ Giao thông vận tải cũng có Thông báo số 139 thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân. Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, tại Kết luận số 49, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án trên trước năm 2030.