Hàng trăm kỹ sư thi công liên tục ở cả thời điểm nhiệt độ xuống 0 độ C để đưa cầu Móng Sến (Lào Cai) về đích đúng hẹn, tạo kỷ lục cho ngành cầu đường Việt Nam.
Dốc đánh đố kỹ sư, nhiệt độ thấp thử thách dân công trường
Từ cuối tháng 8, thời gian di chuyển từ TP Lào Cai đi Sa Pa sẽ được rút ngắn nhờ có cầu Móng Sến, cây cầu bắc ngang 2 đỉnh núi, có trụ cao kỷ lục, hơn 80m.
Nhìn từ trên cao, cầu Móng Sến nổi bật giữa thung lũng ruộng bậc thang. Con suối uốn lượn giữa các trụ cầu càng tô đậm vẻ hùng vĩ. Vào mùa lúa chín hay những hôm mây trắng vắt ngang đỉnh núi, cầu Móng Sến là địa điểm check-in của nhiều du khách.
Cầu Móng Sến quy mô 4 làn xe được khởi công xây dựng tháng 1/2020, đến nay đã hoàn thành để nghiệm thu, đưa vào khai thác từ ngày 30/8.
Công trình có 5 trụ (trụ cao nhất là hơn 80m) và 2 mố. Ba nhịp chính dài 132m được thi công bằng phương pháp dầm hộp đúc hẫng cân bằng. Cáp dự ứng lực được lắp đặt loại cáp lần đầu tiên được sử dụng cho cầu lớn đúc hẫng cân bằng tại Việt Nam.
Kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng, Viện Công nghệ giao thông vận tải, tư vấn giám sát trưởng thi công cầu Móng Sến, cho biết cầu Móng Sến là công trình cấp đặc biệt nên việc đảm bảo chất lượng, mỹ quan công trình được đặt lên hàng đầu.
Tuy nhiên, việc thi công gặp nhiều khó khăn do độ dốc lớn, mỗi bên mép cầu cầu chỉ rộng 1,5m. Việc tiếp cận các vị trí thi công phải qua đất của người dân.
Địa chất phức tạp cũng gây khó khăn khi thi công khoan cọc nhồi. Mỗi một cọc đều phải phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế để quyết định chiều sâu. Trong khi, suối ở đây có độ dốc lớn, nước lên nhanh khi mưa nên việc đảm bảo an toàn cho thiết bị, vật liệu xây dựng cũng khiến nhà thầu mất nhiều thời gian, công sức.
Theo kỹ sư Hùng, khi thi công đến phần thân trụ, thời tiết đúng vào mùa đông giá lạnh, sương mù bao phủ mù mịt, có những ngày nhiệt độ xuống 0 độ C. 200 công nhân làm việc tại đây được bố trí đầy đủ đồ bảo hộ, lán trại lắp máy sưởi ấm, bình nóng lạnh.
Bí kíp thi công trụ cầu cạn dựng trên sườn núi, nâng niu từng mét vỏ cáp
Để xây móng cầu cao hơn 80m, nhà thầu dùng công nghệ thi công trượt theo từng mô đun. Mỗi mô đun đúc cao 4m, khi bê tông đủ độ cứng, công nhân đưa ván khuôn đẩy trượt lên trên.
“Với chiều cao hơn 80m, nhà thầu phải huy động những thiết bị cẩu cẩu tháp có tải trọng rất lớn. Yêu cầu đặc biệt là thiết bị phải tự đứng vững vì lúc đó cẩu chưa có thân trụ để bám. Để đưa được vật liệu bê tông lên cao, đơn vị thi công phải sử dụng những thiết bơm có áp suất lớn”, ông Phạm Thanh Quang, kỹ sư Ban quản lý dự án Công ty cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa cho biết.
Vật tư, vật liệu để xây cây cầu Móng Sến được đặt trước, vận chuyển đến Lào Cai bằng ô tô chuyên dụng. Cầu sử dụng cáp chịu lực nên việc lắp đặt cáp phải vô cùng cẩn thận, không để trầy xước vỏ cáp.
Có cầu cạn mới, Sa Pa có đòn bẩy phát triển kinh tế, du lịch
Từ ngày 22/8, xe cộ được đi lại tạm thời qua cầu, người dân hai bên cầu Móng Sến hiện rõ niềm vui trên khuôn mặt.
Ông Chảo A Lù ở Vù Lùng Sung, xã Trung Chải, thị xã Sa Pa vui mừng nói: “Mình thấy vui mừng khi cầu đã xây xong để đưa vào sử dụng. Như trước đây nhà mình dưới chân dốc Ba Tầng, xe tải hạng nặng khi lên, xuống dốc tiếng máy réo hoặc phanh gấp làm tôi thường xuyên mất giấc ngủ. Giờ đây cầu đã xong các phương tiện đi qua cầu không phải qua dốc nữa làm giảm nguy cơ TNGT đấy”.
Cùng chung niềm vui với ông Lừ, Bí thư Thị ủy Sa Pa ông Phan Đăng Toàn cho biết, việc cầu Móng Sến chính thức đưa vào vận hành sẽ tạo đà, rút ngắn thời gian đến thị xã Sa Pa cũng như tạo thuận lợi giao thương hàng hóa giữa Lào Cai đi Lai Châu và ngược lại đây là dịp đẩy mạnh liên kết vùng.
Đây cũng là cơ hội vàng để Sa Pa nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung phát huy vai trò cầu nối, phân phối và lan tỏa khách du lịch lên với Sa Pa nhiều hơn, giúp tỉnh này đủ năng lực đón 15 – 20 triệu du khách vào năm 2030.
Ông Trần Cao Sơn (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BOT) cho biết: “Việc đưa cầu Móng Sến thuộc dự án đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai đến thị trấn Sa Pa vào vận hành sẽ giảm thiểu nguy cơ gây mất ATGT khu vực đèo Ba Tầng. Cầu Móng Sến sẽ rút ngắn khoảng 2,5km đường đèo dốc quanh co, hiểm trở, so với đường cũ giảm được thời gian di chuyển 15-20 phút. Tôi tin rằng cây cầu sẽ tạo một điểm nhấn cho cung đường du lịch dành cho Lào Cai. Ngoài ra, sau khi thi công cây cầu cạn này chúng tôi lại có thêm những kinh nghiệm để tiếp tục cho hành trình xây những chiếc cầu cạn tiếp theo trải dọc đất nước Việt Nam”.
Đi thế nào để qua cầu Móng Sến?
Khi đưa cầu Móng Sến vào hoạt động các phương tiện di chuyển theo hướng QL4D sẽ đi theo hai chiều từ Lào Cai – Sa Pa và ngược lại.
Riêng các phương tiện di chuyển theo TL155 hướng từ Sa Pa về Lào Cai, tại Km 12+050 khu vực cầu Móng Sến (giao với QL4D tại Km 122+666) đến Thành phố Lào Cai tại Km 0 (giao với QL4D tại Km 135+940) các phương tiện lưu thông theo một chiều.
Còn đối với anh Nguyễn Cảnh Long – một du khách Hà Nội, anh chia sẻ: “Tôi cũng đi rất nhiều nơi, cũng qua rất nhiều chiếc cầu. Nhưng hôm nay đi lên thị xã Sapa được trải nghiệm qua cây cầu cạn không bắc qua một dòng sông nào mà chỉ bắc qua những sườn núi tôi thấy rất tuyệt vời. Cây cầu có vị trí rất đẹp nên chỉ muốn dừng chân để ngắm chiêm ngưỡng