Dự án đường sắt Yên Viên – Cái Lân (Quảng Ninh) khởi công từ năm 2005, đến năm 2011 phải dừng do thiếu vốn. Trong hơn 7.600 tỷ đồng đầu tư theo dự kiến, dự án đã giải ngân trên 4.500 tỷ, song mới hoàn thiện được đoạn ga Cái Lân – cầu vượt Bàn Cờ – ga Hạ Long. Đây là một trong những tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng cho đến thời điểm hiện tại, với tốc độ tàu khách 120 km/h (tốc độ trung bình của đường sắt VN hiện là 50 km/h), tàu hàng 80 km/h.
Nhà ga Hạ Long (Quảng Ninh) được hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc tế với công suất dự kiến đón 10-11 đôi tàu khách/ngày đêm, đi vào hoạt động từ tháng 10/2010…
…song nhiều năm qua, nhà ga này, khi chưa có dịch Covid-19 bùng phát, trung bình mỗi ngày chỉ đón một đoàn tàu cũ chạy tốc độ khoảng 50km/h từ Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội).
Đoàn tàu phần lớn phục vụ tiểu thương các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương buôn bán nông sản. Mỗi chuyến chạy có doanh thu vài triệu đồng nên đều phải bù lỗ tới 95% chi phí. Theo dự báo đến năm 2030, lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh khoảng 10 triệu khách, trong khi đó khách nội địa khoảng 12 triệu. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020 đến nay ga Hạ Long đã tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hệ thống mái che nhà ga này cũng xuống cấp nhiều năm.
Cách ga Hạ Long vài km, ga Cái Lân là điểm cuối cùng của dự án cũng được hoàn thiện chục năm qua nhưng không được sử dụng, luôn trong tình trạng cửa đóng, then cài.
11 đường ray ở ga Cái Lân tiêu chuẩn quốc tế, khổ 1.435 mm, nhưng đến nay sau nhiều năm không được khai thác nên đã bị hoen gỉ.
Bên trong các phòng chức năng phần lớn là các thiết bị cũ kỹ, phủ bụi.
Dự án dừng thi công nhiều năm, đã khiến hàng chục tấn vật liệu, thanh ray, tà vẹt, bu lông, ốc vít… được nhập từ Trung Quốc về năm 2005 và 2008 nằm chất đống ở ga Đông Triều (Quảng Ninh).
Theo ước tính, tại ga Đông Triều (Quảng Ninh) có khoảng 21 tấn ray, trong đó có 20.000 thanh ray dài 25 m và các phụ kiện như bu lông, ốc vít… trị giá hàng trăm tỷ nằm ‘đắp chiếu’ phơi mưa nắng hơn chục năm.
Tuyến đường sắt Yên Viên-Hạ Long được thiết kế chạy song song với quốc lộ 18, đi qua 4 tỉnh, thành là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh. Trong đó khoảng 40 km (từ Phả Lại đến Lim) được làm mới hoàn toàn; 90 km còn lại là cải tạo, nâng cấp từ đường sắt cũ. Nhiều đoạn đường chạy qua cánh đồng thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thiện khoảng 1km đường trên cao, tuy nhiên 10 năm qua không có một bóng công nhân đến xây dựng.
Đoạn chạy qua huyện Quế Võ (Bắc Ninh) có chiều dài khoảng 3 km được đổ đất cao hơn mặt đường và xây dựng cầu vượt dầm thép, tuy nhiên đến nay cũng đang bỏ không.
Đặc biệt, cây cầu vượt của dự án vắt qua quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) với tổng mức đầu tư hơn 21 tỷ đồng đã hoàn thiện nhưng chưa có đường kết nối.
Dù chưa được sử dụng, cầu vượt này đã bị hư hỏng bởi một xe tải vượt quá chiều cao đâm vào.
Dự án được thiết kế với nhiều cây cầu vượt, điểm nhấn về quy mô lớn nhất là cầu Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương. Cầu được xây dựng hoàn thiện tới 90% khối lượng, tuy nhiên chưa được lắp ray, hai đầu cầu cầu chưa được kết nối. Riêng phía đầu dự án đoạn ga Yên Viên, Gia Lâm, đoạn chạy qua địa phận Tp Hà Nội vẫn án binh bất động do thiếu vốn để triển khai.
Liên quan đến việc gỡ vướng mắc về vốn cho dự án, Bộ GTVT từng đề xuất vốn cho dự án trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020, song do không cân đối được vốn nên dự án vẫn chưa thể khởi động trở lại.
Theo tính toán của Bộ GTVT, để dự án có thể tiếp tục, cần thêm 6.000 tỷ đồng bên cạnh 4.556,4 tỷ đồng đã được giải ngân. Nếu số tiền này được phê duyệt, tổng mức đầu tư lên 10.556 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc đội vốn này được lý giải là do thay đổi về giá nguyên vật liệu, nhân công, kinh phí giải phóng mặt bằng.