Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nhà đầu tư dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM cho biết dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng đã đội vốn thêm khoảng 4.000 tỉ đồng.
Dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng, để giải quyết vướng mắc phải trình Chính phủ thay thế nghị quyết 40 ban hành năm 2021 về việc tiếp tục triển khai dự án.
Cần điều chỉnh tổng mức đầu tư
Theo báo cáo của nhà đầu tư gửi Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, hiện riêng lãi vay phát sinh đã khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó mỗi ngày lãi khoảng 1,75 tỉ đồng. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tổng mức đầu tư dự án.
Việc tạm dừng và kéo dài dự án quá lâu khiến tổng mức đầu tư từ gần 10.000 tỉ đồng lên hơn 14.000 tỉ đồng. Báo cáo cho thấy việc điều chỉnh tổng mức đầu tư kéo dài càng lâu sẽ càng gây lãng phí đối với ngân sách nhà nước của TP và nhà đầu tư cũng không thể biết mức độ chi phí của dự án.
Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đề nghị UBND TP.HCM bố trí nguồn vốn thanh toán, tái triển khai dự án này.
Trong văn bản, BIDV cho biết căn cứ hợp đồng dự án số 2607 được ký kết giữa UBND TP.HCM và Công ty Trung Nam/Công ty Trung Nam BT1547; thông báo 285 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thực hiện quy hoạch thoát nước và chống ngập úng TP.
BIDV là ngân hàng trung gian tiếp nhận nguồn vốn, tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước để tài trợ cho Công ty Trung Nam thực hiện dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng, với lãi suất và thời gian theo quy định.
Lịch thu nợ vay của BIDV đối với Công ty Trung Nam và lịch thu nợ tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với BIDV được xác định tương ứng theo lịch thanh toán của UBND TP.HCM cho Công ty Trung Nam quy định tại hợp đồng BT dự án.
Bản chất đây là khoản cho vay ứng trước cho nhà đầu tư trong khi ngân sách TP chưa bố trí được nguồn vốn thanh toán. Khoản vay dự án đã được BIDV tài trợ khoảng 7.095 tỉ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, khoản vay đã quá hạn trả nợ gốc 6.008 tỉ đồng, tương đương 84,6% tổng dư nợ cho vay.
Trong đó BIDV đã phải thu xếp nguồn vốn thương mại để trả nợ vay tái cấp vốn 4.091 tỉ đồng cho Ngân hàng Nhà nước. BIDV đề nghị Công ty Trung Nam khẩn trương làm việc, thúc đẩy, kiến nghị UBND TP.HCM và các sở ngành tái triển khai dự án.
Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền tháo gỡ cho dự án được thi công trở lại, BIDV đề nghị Trung Nam huy động mọi nguồn thu từ hoạt động kinh doanh khác của tập đoàn để trả một phần nợ gốc và lãi quá hạn cho BIDV.
Nếu thi công chỉ cần 9 tháng xong toàn bộ
Ông Vũ Đình Tân – giám đốc Trung Nam BT1547 – cho biết hiện dự án ngăn triều đạt tiến độ 90% từ cuối năm 2020. Hiện nay là hơn 90%.
Riêng cống Bến Nghé đã hoàn thành 97%, đã vận hành thử và cũng chờ khớp nối vận hành đồng bộ với toàn bộ 5 cống lớn của dự án. Tại cống này cũng đang cho thi công trở lại.
Khi gỡ được các vướng mắc, công ty cam kết huy động vật tư, nhân lực trong 3 tháng, sau đó thêm 9 tháng thi công sẽ hoàn thành đưa vào vận hành dự án.
Ông Tân cũng cho biết hiện nay nhiều thiết bị lắp đặt tại công trình đã hết thời gian bảo hành dù chưa vận hành.
Trong buổi họp báo định kỳ về kinh tế xã hội mới đây, ông Lý Thanh Long, chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết Sở Xây dựng TP.HCM sẽ phấn đấu hoàn thành dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng.
Khi hoàn thành có thể giải quyết được 5 tuyến đường ngập do triều cường. Nhưng với báo cáo của nhà đầu tư thì khó lòng dự án kịp vận hành trong mùa mưa bão sắp tới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây cũng thừa nhận tiến độ dự án này so với lần tiếp xúc cử tri gần nhất (năm 2023) chưa có tiến triển hơn.
Ông Mãi chia sẻ không phải TP không quyết tâm, nhưng hiện vướng nhiều quy định pháp luật khiến dự án kéo dài. Tiền bố trí cho dự án chưa thể giải ngân.
TP.HCM cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế cho nhà thầu vay 1.800 tỉ đồng từ ngân sách TP để hoàn thành dự án.