Cho con học trường công cho rẻ’: Bà mẹ choáng váng khi liệt kê chi phí mỗi tháng

Từ trước đến nay, ai cũng nghĩ, cho con học trường công thì chi phí rất thấp, bố mẹ được nhẹ gánh kinh tế, chỉ có học trường tư mới phải đóng nhiều tiền. Đặc biệt, theo quy định tại khoản 3 điều 99 luật Giáo dục năm 2019, “học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí”. Quy định này được áp dụng cho học sinh tiểu học công lập tại TP.HCM và tất cả địa phương trong cả nước. 

Vậy mà, mới đây, một bà mẹ ở TP.HCM đã khiến dân tình té ngửa khi liệt kê chi phí thực tế cho việc học hành hàng tháng của con. Thông tin này đã được  báo chí đăng tải rồi, mình chia sẻ lại  trong bài viết bên dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!

Cụ thể, người mẹ này cho biết, hai vợ chồng chị thu nhập tổng khoảng 55 đến 67 triệu mỗi tháng nhưng cũng không phải là giàu có gì vì trong các khoản chi tiêu gia đình, tiền học hành cho con là khoản chi nặng nhất mỗi tháng!

Cụ thể, theo người mẹ cho biết, bé lớp 1 học trường công, học phí 5,5 triệu đồng. Bé trai lớp lá, học trường tư 6,5 triệu đồng. Học năng khiếu (đàn, cờ vua) hết 2,5 triệu đồng. Như vậy chưa tính tiền sữa, tã các loại, chi phí học tập hàng tháng chị phải chi cho hai con đã là 14,5 triệu đồng.

hình ảnh

Các khoản chi tiêu trong gia đình thời hiện đại không phải ít, ảnh minh họa, nguồn: DSD

Đáng chú ý, phần học phí trường công của bé lớn lên tới 5,5 triệu đồng khiến nhiều người thắc mắc. Các phụ huynh cho rằng độ tuổi này bé được miễn học phí, dù có cộng tất cả các khoản thêm vào cũng không thể lên mức cao đến 5,5 triệu đồng như vậy

Trên thực tế, tiền học của con nhỏ lớp 1 của bà mẹ này cao “bất thường” so với mặt bằng chung là do bé học chương trình tích hợp ở trường công. Được biết, với chương trình tiếng Anh tích hợp, học sinh học 8 tiết tiếng Anh một tuần (100% giáo viên người nước ngoài giảng dạy), học phí 10.800.000 đồng/3 tháng. Nếu tính thêm các chi phí như bán trú, tiền nước uống, kỹ năng sống… thì mức chi phí hàng tháng 5,5 triệu là hoàn toàn hiểu được.

Chương trình học tích hợp là gì và đang được áp dụng như thế nào

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, chương trình tích hợp được biên soạn tích hợp chương trình quốc gia Anh Quốc với chương trình chuẩn quốc gia của Bộ GD-ĐT Việt Nam cho 3 môn tiếng Anh, Toán, Khoa học, trên cơ sở giảm tải khoa học và chú trọng phát triển tư duy, phẩm chất của học sinh.

Trong từng môn, Sở GD-ĐT sẽ có khung chương trình phân tiết cho giáo viên bản ngữ dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó vẫn có giáo viên Việt Nam dạy bằng tiếng Việt dựa trên khung chương trình Bộ GD-ĐT, với nguyên tắc không trùng lắp và bổ sung kiến thức lẫn nhau.

Nội dung kiến thức của 3 môn tiếng Anh, Toán, Khoa học của chương trình giáo dục Anh Quốc sẽ được phân bố dựa trên khung chương trình của Bộ GD-ĐT Việt Nam, trong đó vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ chương trình khung cho các khối lớp của chương trình Việt Nam.

Học sinh muốn học chương trình tích hợp cần có một trong các chứng chỉ quốc tế sau:

– Theo hệ thống Pearson English: Học sinh phải có chứng chỉ PEIC (PTE Young Learners) cấp độ Quickmarch (Pass – số sao tối thiểu 3/5 sao);

– Theo hệ thống Cambridge English: Học sinh phải có chứng chỉ Flyers (số khiên tối thiểu 12/15 khiên);

– Theo hệ thống ETS: Học sinh phải có chứng chỉ TOEFL Primary bậc 2 với số huy hiệu tối thiểu là 3/4 huy hiệu (TOEFL Primary, Step 2, 3 badges).

Nếu không có một trong các chứng chỉ trên, các học sinh phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh đầu vào của chương trình tiếng Anh tích hợp. Tuy nhiên, đối với học sinh đã học chương trình tiếng Anh tích hợp ở bậc tiểu học thì không cần các chứng chỉ trên.

Phụ huynh muốn cho con học chương trình tiếng Anh tích hợp có thể căn cứ trên các yếu tố như năng lực, phẩm chất, sự say mê trong học tập của trẻ; điều kiện tài chính gia đình vì mức đóng không phải gia đình nào cũng phù hợp.

hình ảnh

Mời bà con đọc thêm thông tin: THCM trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024-2025. Học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025-2026.

Tại kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2024 – 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn.

Mức thu học phí được chia thành 2 nhóm. Nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở TP. Thủ Đức và các quận. Nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở các huyện còn lại.

So với năm ngoái, mức học phí mới này giảm khoảng 100.000 – 240.000 đồng/học sinh/tháng tùy cấp học; mức này bằng với mức thu của năm học 2021 – 2022.

Với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí từ năm học 2024 – 2025 từng cấp học như sau: Nhà trẻ 200.000 đồng/tháng (nhóm 1), 120.000 đồng/tháng (nhóm 2); mẫu giáo 160.000 đồng/tháng (nhóm 1), 100.000 đồng/tháng (nhóm 2); tiểu học 60.000 đồng/tháng (nhóm 1), 30.000 đồng/tháng (nhóm 2); THCS 60.000 đồng/tháng (nhóm 1), 30.000 đồng/tháng (nhóm 2); THPT 120.000 đồng/tháng (nhóm 1), 100.000 đồng/tháng (nhóm 2).

Trẻ em mầm non 5 tuổi được miễn học phí từ năm học 2024 – 2025. Học sinh THCS được miễn học phí từ năm học 2025 – 2026.

Đối với hình thức học trực tuyến, mức thu học phí bằng 50% so với mức thu học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã được ban hành.